Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hà Bắc - Huyện Hà Trung - Tỉnh Thanh Hóa

NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM 2023

Đăng lúc: 08:05:23 18/05/2023 (GMT+7)
100%
Print

NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM 2023

​​1. Tuyên truyền, phòng ngừa tình trạng đưa người xuất cảnh trái phép, mua bán người sang Campuchia

            Thủ đoạn của các đối tượng là thông qua các trang mạng xã hội (như Facebook, Zalo...) để làm quen, tiếp cận nạn nhân, đăng thông báo tuyển dụng lao động với mức lương cao, làm việc nhẹ, đưa ra các điều kiện như được bao ăn ở, biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương sẽ cao hơn... chủ yếu nhằm vào đối tượng là phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên không có việc làm ổn định, thiếu hiểu biết để lừa gạt. Khi nạn nhân sập bẫy, các đối tượng sẽ hướng dẫn, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch, sau đó yêu cầu trả các chi phí đi lại, ăn ở, tiến hành khống chế, buộc gia đình chuyển tiền, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục… Trước tình trạng trên, đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác với hình thức lừa đảo mới, khi có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài nên tìm hiểu kỹ thông tin, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Giết người nguyên nhân do mâu thuẫn xã hội và sử dụng rượu, bia

            Rượu, bia gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và cơ quan thần kinh, tác động tiêu cực đến các chức năng hoạt động của gan, thận, tim mạch, tư duy, thể lực... Ngoài ra, còn là nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, làm gia tăng tội phạm và nguy cơ xảy ra tai nạn do giảm khả năng phản ứng của cơ thể. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn về những ảnh hưởng và tác hại của rượu, bia nhằm thay đổi suy nghĩ, hành động; tuyên truyền và vận động người thân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng rượu, bia một cách hợp lý, an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cũng như ngăn ngừa các hệ lụy mà rượu, bia gây ra.

3. Tuyên truyền cao điểm kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn

            Vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ trên đường bộ; phương tiện thủy chở hàng vượt quá an toàn, hàng hóa không hóa đơn chứng từ, để kiềm chế các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình thực hiện, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó tập trung tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở mức cao nhất.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đề nghị người dân cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo “văn hóa giao thông" khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Doanh nghiệp, nhà máy,  xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô và cá nhân có phương tiện vận tải cần chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới" thùng xe; chủ doanh nghiệp vận tải thủy, chủ bến bãi cần cam kết không bốc xếp hàng hóa, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, bảo đảm các điều kiện an toàn đường thủy, vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ. Đồng thời, chủ các nhà hàng, quán bar, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... cần tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia.

4. Phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em trong dịp hè

            Các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình cần quan tâm, quản lý, giáo dục con em mình, nhất là về tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ xã hội, những hoạt động sinh hoạt thường ngày và những biểu hiện bất thường ở trẻ… để giáo dục, chia sẻ cũng như giải đáp những vấn đề về tâm sinh lý, giới tính ở tuổi mới lớn, định hướng cho các em trong các mối quan hệ, tránh xa các nguy cơ bị xâm hại. Riêng bản thân các em phải có sự chủ động phòng ngừa, cân nhắc các mối quan hệ, nhất là đối với người khác giới; mạnh dạn tâm sự, chia sẻ các mối quan hệ của mình với cha mẹ, người thân trong gia đình; học các kỹ năng phòng vệ cho bản thân, biết phân biệt rõ các cử chỉ thân mật, gần gũi với các hành vi tán tỉnh, gạ gẫm, sàm sỡ, tránh bị dụ dỗ đến các nơi vắng vẻ, nhà nghỉ, khách sạn; chủ động trình báo với cơ quan Công an khi trẻ bị xâm hại để kịp thời can thiệp xử lý.

Cùng với những nỗ lực của cơ quan Công an, cần phải có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, đẩy mạnh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, lên án các hành vi xâm hại trẻ em; thông tin các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, nhất là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại tại cộng đồng, trường học, các hộ gia đình nắm… qua đó, nhằm nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, cảnh giác và tố giác tội phạm xâm hại trẻ em trong Nhân dân.

5. Tội phạm lừa đảo thuê, mượn tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân trên thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân

Thời gian qua, trên địa bàn huyện phát sinh nhiều trường hợp người dân  bị các đối tượng xấu lôi vào các mục đích bất hợp pháp như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khi các đối tượng sử dụng tài khoản này thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.

Đồng thời, tình trạng người dân “vô tư" chia sẻ hình ảnh Căn cước công dân trên mạng xã hội, tìm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân là rất lớn. Do mã QR và chíp trên thẻ Căn cước công dân chứa rất nhiều thông tin cá nhân mà tội phạm công nghệ cao có thể triệt để lợi dụng. Chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin trên thẻ Căn cước công dân có thể biết rõ thông tin cá nhân của công dân, từ đó các đối tượng có thể lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong khi người dân không biết mình đang bị lợi dụng.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm công nghệ cao đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không cho thuê, cho mượn hoặc bán thông tin tài khoản ngân hàng của mình, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân trên thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân như:

- Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân trên mạng xã hội, không cho người khác mượn Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, không bấm vào đường link hoặc cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP do các website không biết rõ gửi đến.

- Chủ động cúp máy trong trường hợp nghi ngờ cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, khai thác thông tin cá nhân. Trình báo ngay cơ quan chức năng khi giấy tờ cá nhân bị mất để phòng ngừa đối tượng xấu lấy thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.

- Trường hợp phát hiện thông tin trên thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân của bản thân bị lấy cắp được sử dụng để vay tiền, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thuê bao trả sau... người dân cần nhanh chóng thông báo với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở để xử lý, giải quyết kịp thời.

III- MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

  1.  Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)

    Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

    Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

    Điều 150. Tội mua bán người

    1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

    b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

    c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Vì động cơ đê hèn;

    c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

    d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    đ) Đối với từ 02 đến 05 người;

    e) Phạm tội 02 lần trở lên.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    a) Có tính chất chuyên nghiệp;

    b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

    c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

    d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

    đ) Đối với 06 người trở lên;

    e) Tái phạm nguy hiểm.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

    1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

    b) Có tổ chức;

    c) Có tính chất chuyên nghiệp;

    d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    đ) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

    b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

    1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    b) Phạm tội 02 lần trở lên;

    c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

    d) Có tính chất chuyên nghiệp;

    đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    e) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Đối với 11 người trở lên;

    b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

    c) Làm chết người.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Tại Điểm c, Khoản 6 quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

Tại Điểm c, Khoản 7 quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.

Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

Tại Điểm c, Khoản 4 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô tải (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) có kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, buộc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định. 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
129310

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289