Dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người trên thế giới có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại.
Thông tin được ThS. Hà Thị Kim Phượng, Phòng Điều dưỡng – Tiết chế và Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế) nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2025–2030, diễn ra sáng 10.4 tại Bộ Y tế.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Trần Văn Thuấn chủ trì, kết nối điểm cầu Bộ Y tế với hàng trăm điểm cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế có TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cùng các chuyên gia WHO, lãnh đạo các bệnh viện và cán bộ phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2025–2030, diễn ra sáng 10.4 tại Bộ Y tế.
Theo ThS. Phượng, thống kê của WHO năm 2022 cho thấy, trong 100 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện chăm sóc cấp tính, có 7 người ở các quốc gia thu nhập cao và 15 người ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện trong thời gian nằm viện. Trung bình, 1 trong 10 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn sẽ tử vong. Đặc biệt, mỗi năm thế giới ghi nhận khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng kháng sinh.
Tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các nước đang phát triển cao gấp ba lần so với các nước phát triển, trong khi hệ thống y tế tại nhiều quốc gia vẫn đang chịu áp lực lớn do thiếu nguồn lực và hạn chế trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng cường năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã cho thấy vai trò không thể thiếu của công tác này không chỉ trong phòng, chống dịch mà còn trong việc bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.
Ngành y tế thời gian qua đã nỗ lực kiện toàn hệ thống, xây dựng hành lang pháp lý, phát triển nhân lực và kỹ thuật chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các tuyến khám chữa bệnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị và vật tư còn hạn chế. Ý thức tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn của một bộ phận nhân viên y tế và người bệnh vẫn chưa cao, trong khi tình trạng kháng thuốc và vi khuẩn đa kháng ngày càng gia tăng, kèm theo nguy cơ từ các dịch bệnh mới nổi và tái nổi.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2025–2030 theo Quyết định số 38/QĐ-BYT ngày 3.1.2025. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Kế hoạch hướng tới 7 mục tiêu trọng tâm: Tăng cường hệ thống quản lý và chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao nhận thức và năng lực nhân viên y tế; cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chuyên môn; giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế; tăng cường hệ thống giám sát, báo cáo tình hình nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh; nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ.
Để kế hoạch được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh các đơn vị, địa phương cần xác định kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Đây không chỉ là trách nhiệm của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn mà là trách nhiệm của toàn thể cán bộ y tế.
Các cơ sở y tế cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn; kiện toàn tổ chức và nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, hóa chất, vật tư, thiết bị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn quốc gia, giám sát sử dụng kháng sinh và các can thiệp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường máu, hô hấp, tiết niệu, phẫu thuật. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn cũng cần gắn kết với các chương trình y tế quốc gia như phòng chống kháng kháng sinh, quản lý chất lượng bệnh viện, ứng phó dịch bệnh và đảm bảo an toàn người bệnh.
Cùng với đó, truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao nhận thức của nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng về tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng đến xây dựng văn hóa an toàn trong bệnh viện, tạo môi trường điều trị tin cậy.
TS. Angela Pratt đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Về phía Tổ chức Y tế Thế giới, TS. Angela Pratt đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Bà cho rằng kiểm soát nhiễm khuẩn là nền tảng giúp bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh khỏi các nguy cơ lây nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. WHO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để đồng hành cùng Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, triển khai các giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả hơn trong tương lai.