Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng
Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng
Mặc dù lực lượng công an liên tục triển khai các phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn; thế nhưng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng liên tục có các phương thức, thủ đoạn mới vô cùng tinh vi; thậm chí là có những vụ việc mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các bị hại.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá vừa bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức mời gọi tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán và rửa tiền. Theo kết quả điều tra, Guo Jinguang, sinh năm 1983 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức mạng lưới gồm các đối tượng ở Việt Nam để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mạng lưới này sẽ tách biệt thành 2 nhóm: 1 nhóm đối tượng đưa thông tin gian dối để lừa đảo, mời gọi các bị hại tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán; một nhóm khác có nhiệm vụ tạo các tài khoản ngân hàng công ty để nhận, che giấu dòng tiền từ các bị hại.

Để thực hiện quá trình lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trót lọt, Guo Jinguang đã phối hợp cùng một đối tượng người Trung Quốc hoạt động bên Campuchia thành lập các công ty nhưng không hoạt động mà chỉ nhằm mở tài khoản ngân hàng để nhận và rửa tiền.

Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đối tượng đã có sự thay đổi về phương thức thủ đoạn để đối phó với tình hình hiện nay, nhất là quy định của ngân hàng, vấn đề sinh trắc học đối với chuyển tiền từ 10 triệu trở lên. Sau khi lôi kéo người Việt Nam mở tài khoản, bán tài khoản, chúng chuyển tài khoản cho nhóm đối tượng hoạt động tội phạm bên Campuchia; đối tượng tổ chức cho người Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia để thực hiện việc giao dịch, trung chuyển tiền với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân 1 cách trót lọt".
Thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo mới vô cùng tinh vi với nhiều thay đổi trong cách thức tiếp cận, dẫn dụ nạn nhân; đan xen giữa các phương thức cũ và mới khiến người dân khó nhận diện. Trong đó có thể kể đến một số thủ đoạn lừa đảo mới như: Giả dạng shipper lừa tiền và cài mã độc vào điện thoại, lừa làm nhiệm vụ nhận hoa hồng cao, giả mạo làm bạn gái dụ dỗ chat sex để tống tiền, tạo lập trang (Fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch, bán vé máy bay để lừa tiền đặt cọc, gửi link giả mạo để đánh cắp thông tin ngân hàng, thủ đoạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao; mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, bán thuốc đặc trị giả trên mạng xã hội, lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực.
Đáng lo ngại hơn là các đối tượng còn sử dụng công nghệ AI để thực hiện các hành vi lừa đảo như: thực hiện cuộc gọi video để giả làm người thân vay tiền, tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị nạn cần tiền gấp; cắt ghép mặt nạn nhân vào các hình ảnh clip "nhạy cảm" để đe doạ, tống tiền….

Thượng tá Lê Văn Đức, Phó Trưởng Công an huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an huyện Triệu Sơn đã nhận được 250 tin báo về đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Với sự cảnh giác của người dân thì đã đến cơ quan công an để được hướng dẫn, tránh bị các đối tượng này lừa đảo. Nếu 250 vụ lừa đảo trên không gian mạng này nếu như không được cảnh giác, không được tuyên truyền mà các đối tượng chiếm đoạt tài sản thì chúng tôi ước tính thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng".
Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá: Từ ngày 1/4/2024 đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó có 29 vụ lừa đảo trên không gian mạng; đã điều tra khám phá được 41 vụ. Bên cạnh đó, lực lượng Công an ngăn chặn được gần 2.200 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cảnh báo, cuối năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ có chiều hướng gia tăng. Do vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện bị lừa đảo hoặc có dấu hiệu đáng ngờ cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
- Cảnh báo giả mạo trang facebook của Bộ Tài chính để lừa đảo
- Cách thêm người phụ thuộc vào ứng dụng VNeID để được giảm trừ gia cảnh
- 5 hình thức lừa đảo trực tuyến người Việt thường mắc phải
- LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
- Quyết định số 2361/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Ban hành Khung tiêu chí và phương pháp đánh giá, xét công nhận mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã
- Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 22/11/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa
- Bồi dưỡng chuyển đổi số về an toàn thông tin mạng cho giáo viên
- Người dùng mạng xã hội phải xác thực sinh trắc học từ ngày mai 25/12
- Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng
- Quyết định số 4753/QĐ-UBND ngày 03/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công nhận hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã năm 2023
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289