Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Hà Bắc - Huyện Hà Trung - Tỉnh Thanh Hóa

Nguy cơ từ tiêu chảy: Hiểu đúng để phòng và điều trị hiệu quả

Đăng lúc: 10:14:25 15/05/2025 (GMT+7)
100%
Print

 Bộ Y tế

Nguy cơ từ tiêu chảy: Hiểu đúng để phòng và điều trị hiệu quả

 

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa hè khi thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Mặc dù phần lớn các trường hợp tiêu chảy có thể tự khỏi, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, bệnh có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, rối loạn điện giải và thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.

 

Nguyên nhân gây tiêu chảy

 

Theo Bộ Y tế, tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng qua đường tiêu hóa. Trong đó, virus Rota là nguyên nhân chính gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, chiếm từ 20% đến trên 50% các ca bệnh trong giai đoạn 2016–2023 tại Việt Nam. Bệnh lây lan qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, liên quan chặt chẽ đến điều kiện vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

 

Ngoài ra, tiêu chảy còn có thể do tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (AAD) là vấn đề cần quan tâm, vì không chỉ gây khó chịu mà còn làm suy nhược cơ thể, kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

 

Triệu chứng và biến chứng

 

Tiêu chảy thường biểu hiện bằng việc đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều lần trong ngày, kèm theo đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và sốt. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng mất nước như khát nước, môi khô, mắt trũng, tiểu ít, có thể dẫn đến rối loạn điện giải, sốc giảm thể tích, thậm chí suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

 

Xử trí và điều trị

 

Biện pháp quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy là bù nước và điện giải. Dung dịch Oresol (ORS) được khuyến cáo sử dụng, nhưng cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn. Việc pha quá đặc hoặc quá loãng có thể gây rối loạn điện giải, tăng natri máu, dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong ở trẻ nhỏ.

 

Trong trường hợp tiêu chảy do kháng sinh, việc ngừng hoặc thay đổi loại kháng sinh, kết hợp với bổ sung men vi sinh (probiotic) có thể giúp khôi phục hệ vi sinh đường ruột. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng probiotic ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

 

Phòng ngừa tiêu chảy

 

Để phòng ngừa tiêu chảy, Bộ Y tế khuyến cáo:

 

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, không sử dụng nước lã.

 

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước rửa tay diệt khuẩn, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

 

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi.

 

Không sử dụng phân tươi trong trồng trọt.

 

Tiêm vaccine phòng virus Rota cho trẻ nhỏ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

Tiêu chảy là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và xử lý đúng cách. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm và tuân thủ hướng dẫn y tế là yếu tố then chốt trong việc giảm thiểu tác động của bệnh tiêu chảy đối với sức khỏe cộng đồng

 



 

Công khai kết quả giải quyết TTHC

Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
129310

ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH

Số điện thoại tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính
02373.742.289